Nếu ai coi thường phần này thì chứng tỏ bạn chưa ở trong thị trường này đủ lâu và chưa vấp ngã nhiều. Bạn cứ thử hỏi những nhà đầu tư lâu năm trong thị trường bạn sẽ thấy Tâm Lý Giao Dịch nó là 1 phần cực kỳ quan trọng và chiếm phần lớn chiến thắng hoặc thua cuộc trong những trận chiến đầu tư. Ngày xưa mình cũng đã từng hiểu sai về cuộc chơi tài chính, mình cứ nghĩ là phải học về Phân Tích Kỹ Thuật, phải học về Hệ Thống Giao Dịch, rồi nhiều thứ rất là hoành tráng. Nhưng sau này mình mới thấy rằng Tâm Lý Giao Dịch nó chiếm 1 phần cực kỳ lớn trong việc chiến thắng ở giao dịch thị trường. Vì tâm lý chính là vũ khí mà các cá mập họ dùng để điều khiển thị trường tài chính từ thuở sơ khai đến giờ. Nếu bạn không học về Tâm Lý và Kỷ Luật thì mình khẳng định bạn sẽ thua chắc trong cái thị trường này.
Về công cụ, chiến lược thì bạn chỉ cần học và liên tục rèn luyện, nó sẽ trở thành thói quen và phản xạ, sau này bạn không cần phải sử dụng đến công cụ mà chỉ cần nhìn vào Nến bạn cũng có thể dự đoán được xu hướng của thị trường nó đang ở trong trạng thái nào. Nhưng còn Tâm Lý nó lại là 1 vấn đề khác, chỉ cần bạn chủ quan, lơ là hay phá vỡ quy tắc thì Lòng Tham và Nỗi Sợ Hãi nó sẽ trỗi dậy và điều khiển bạn ngay. Và bạn sẽ thấy nó ảnh hưởng trực tiếp đến kết quả đầu tư của bạn.
Và có 1 cái thực trạng mà những nhà đầu tư mới hay mắc phải, đấy là khi họ chưa đạt được thành quả tốt, kết quả tốt trong giao dịch. Thì họ thường có xu hướng nghĩ rằng công cụ của mình chưa tốt, mình cần có công cụ tốt hơn hoặc hệ thống giao dịch tốt hơn. Họ nghi ngờ cái công cụ và phương pháp mà mình đang sử dụng, rồi họ bắt đầu đi tìm hiểu những phương pháp mới, những công cụ mới. Mà họ không biết rằng để cải thiện kết quả đầu tư, họ cần phải tập trung vào mặt kỷ luật tâm lý. Mình không phủ nhận rằng công cụ, phương pháp, chiến lược là 1 phần rất quan trọng trong quá trình đầu tư. Có nhiều anh em đã có công cụ tốt rồi, phương pháp và chiến lược cũng tốt rồi nhưng vẫn đi tìm những cái thứ mới mà không biết rằng cái lỗi lớn nó nằm ở Tâm Lý Giao Dịch của mình mà thôi.
Để chiến thắng trong thị trường này thì không nhất thiết là bạn phải có chỉ số IQ cao, vì việc dự đoán xu hướng nó không phải là điều quan trọng nhất để giúp bạn chiến thắng. Cái chính là bạn có thể lên được kế hoạch, những cái kịch bản cho các hướng đi của thị trường để từ đó bạn có cái hướng xử lý trong quá trình giao dịch nếu thị trường nó đi ngược với cái dự đoán trước đó của mình. Vậy để chiến thắng trong thị trường tài chính này nhà đầu tư không cần phải có 1 cái chỉ số thông minh quá cao mà nó phụ thuộc vào chỉ số thông minh cảm xúc. Đó là việc bạn có kỷ luật được trong quá trình giao dịch hay không? bạn có kiểm soát được cảm xúc của mình trong lúc giao dịch hay không? Bạn có kiềm chế được Lòng Tham và Nỗi Sợ Hãi trong quá trình giao dịch hay là không?
Nếu các bạn thích và đón nhận thì ở bài viết sau mình sẽ nói cụ thể 4 bước để tiếp nhận và quản lý cảm xúc trong giao dịch 1 cách hiệu quả nhất. Để từ đó các bạn sẽ có thể giao dịch tốt hơn và kiếm được thật nhiều tiền từ thị trường tài chính này.
4 BƯỚC XỬ LÝ TÂM LÝ GIAO DỊCH Bước 1: Tiếp Nhận Cảm Xúc Trong quá trình giao dịch chắc chắn bạn sẽ có rất nhiều cung bậc cảm xúc khác nhau. Và điều đầu tiên phải làm đó là các bạn phải thừa nhận cái cảm xúc đấy nó đang tồn tại ở trong mình. Có 1 điều mà chúng ta cần thừa nhận với nhau đó là xu hướng tự nhiên của não bộ là chúng ta thường có xu hướng tránh né việc bản thân mình đang có những suy nghĩ tiêu cực trong tâm lý, chúng ta không trực tiếp nhìn thẳng vào cái vấn đề đó. Phần đa những nhà đầu tư không chuyên nghiệp họ bị cháy tài khoản là do bị bị rơi vào trường hợp phá kỷ luật, còn mình đảm bảo những ai quản lý vốn tốt, kỷ luật làm theo những nguyên tắc đã đề ra ban đầu thì bạn không thể nào cháy tài khoản được, mình cam kết đảm bảo điều đó.
Những người phá kỷ luật dẫn đến cháy tài khoản thì cái diễn biến tâm lý họ thường xảy ra như thế nào? Đầu tiên chúng ta phải nói đến cái cảm xúc dẫn đến việc bạn ra quyết định sai dẫn đến cháy tài khoản là: Lòng Tham, Sự Sợ Hãi và Sự Tiếc Nuối.
Khi 1 nhà đầu tư không chuyên muốn vào 1 cái lệnh nào đó, chắc chắn nó xuất phát từ Lòng Tham. Họ nghĩ rằng tài chính là nơi dễ kiếm tiền, họ mong muốn làm giàu thật là nhanh và sớm được đổi đời. Bình thường 1 nhà đầu tư chuyên nghiệp họ vào với số vốn vừa phải, đúng nguyên tắc để làm sao khi dính đến điểm SL họ chỉ mất từ 1-2% tài khoản cho cái lệnh giao dịch đấy thôi. Có nghĩa là tài khoản của họ có thể chịu từ 50-100 cái lệnh lỗ liên tục, mà để thua được từ 50-100 lệnh liên tục thì đấy là khó có thể xảy ra. Nên 1 nhà đầu tư tuân thủ kỷ luật thì để cháy tài khoản là điều không thể. Nhưng khi 1 con bạc bước vào thị trường với lòng tham, họ cố gắng đoán thị trường đi theo hướng nào rồi có thể họ dùng đòn bẩy thật cao. Họ phá vỡ hết nguyên tắc quản lý vốn, quản trị rủi ro, vì lòng tham của họ lúc đó đang rất là cao.
Và chắc chắn rồi, bạn chơi sai cách chơi thì bạn sẽ bị thua, ở đây là bạn sẽ trực tiếp mất tiền vào thị trường khi ấy cảm xúc tiếp theo nó là Sự Sợ Hãi. Ở đây nó lại hình thành nên 2 trường hợp:
Trường hợp 1 là khi bạn thấy mình đang lỗ, 1 màu đỏ chót và con số cứ tăng dần theo thời gian có thể 10%,20% cũng có thể nhiều hơn. Nó quá lớn so với tài khoản đang có, bạn Sợ Hãi và quyết định cắt cái lệnh đó trước khi con số âm nó quá to. Và trớ trêu thay khi bạn vừa cắt xong giá lại bắt đầu hồi phục theo chiều hướng bạn đã phán đoán ban đầu của bạn mà đáng ra nếu bạn giữ thì bạn đã không bị mất tiền và kiếm được rất nhiều tiền nữa rồi. Nhưng vì hấp tấp nên bạn đã dừng nó quá sớm. Và ngay sau đó bạn sẽ hình thành nên cảm xúc Tiếc Nuối và Cay Cú, và khi cảm xúc này nổi nên thì bên trong suy nghĩ sẽ hình thành mong muốn Trả Thù thị trường. Khi cảm xúc đã không sáng suốt sẽ gây ra những quyết định sai lầm, gây ra những lệnh lỗ tiếp theo, và lệnh sau thường nặng hơn lệnh trước.
Trường hợp 2 là khi bạn thấy mình đang lỗ, màu đỏ chót đấy con số đã tăng lên quá cao. Mà do trước đây bạn đã tham lam phá vỡ kỷ luật, vì vậy “Cắm lao phải theo lao” bạn quyết định để đấy để nó tiếp tục chạy mong nó sẽ quay đầu theo dự đoán của mình. Vì nếu cắt ở đây thì số tiền mình mất là quá lớn, thôi mặc kệ đằng nào cũng lỡ rồi. Bạn không chấp nhận cái rủi ro này, không chấp nhận điểm dừng lỗ này và cứ để lệnh tiếp tục chạy và mong là mình không bị mất cái số tiền đấy. Hoặc thậm trí tệ hơn là giá càng xuống bạn càng DCA bồi thêm lệnh vào để mong bắt được đáy, gỡ lại được số tiền đã mất. Mà khi thị trường nó đã đi ngược rồi, đến 1 cái điểm nào đó, tài khoản của bạn sẽ cháy bay sạch.
Bạn nghĩ xem là mình đã từng trải qua 1 trong 2 trường hợp này chưa, nếu có rồi hãy chia sẻ kinh nghiệm và trải nghiệm của mình dưới bài viết này để chúng ta không bao giờ mắc phải cái lỗi lầm này nữa. Và chúng ta đều nhìn thấy rằng mọi thất bại đều xuất phát từ Lòng Tham, trong Đạo Phật thì Tham - Sân - Si chữ Tham đứng đầu. Nên lời khuyên của mình là khi bạn cảm thấy mình khởi lòng tham mà dẫn đến phá vỡ kỷ luật, nguyên tắc đã đề ra thì hãy dừng lại hít thở thật sâu và suy nghĩ xem hậu quả của nó nếu thất bại mình có chịu đựng được không, nếu không thì phải dừng lại ngay. Chúc các bạn học được nhiều điều và kiếm được thật nhiều tiền từ thị trường tài chính.
La información y las publicaciones que ofrecemos, no implican ni constituyen un asesoramiento financiero, ni de inversión, trading o cualquier otro tipo de consejo o recomendación emitida o respaldada por TradingView. Puede obtener información adicional en las Condiciones de uso.